(DNNN) – Ngày 27/3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) tổ chức lễ công bố Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long 2024.
Báo cáo với chủ đề trọng tâm “Huy động đầu tư cho phát triển bền vững”, cung cấp bức tranh toàn diện về thực trạng kinh tế vĩ mô và những cơ hội, thách thức trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nhằm tạo động lực tăng trưởng bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguyên nhân cốt lõi: Thiếu hụt đầu tư
TS Vũ Thành Tự Anh chia sẻ các thông tin nghiên cứu trong báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long được công bố sáng 27/3
Theo Báo cáo, việc đầu tư thiếu đồng bộ và hiệu quả hạn chế là nguyên nhân chính dẫn đến chậm phát triển của ĐBSCL. Mặt khác, thiếu hụt đầu tư là một trong những nguyên nhân dẫn đến “vòng xoáy đi xuống” của nền kinh tế ĐBSCL trong những năm qua. Dù là vùng sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu chủ lực, đóng góp hơn 50% vào thặng dư thương mại của Việt Nam, ĐBSCL lại có tỷ lệ vốn đầu tư rất thấp.
Báo cáo nhấn mạnh, để chống suy giảm kinh tế, ĐBSCL cần một chiến lược huy động nguồn lực đầu tư toàn diện và dài hạn, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ khi thu hút được dòng vốn đầu tư bền vững, ĐBSCL tận dụng tiềm năng kinh tế, nâng cao năng suất lao động và đảm bảo sinh kế bền vững cho 18 triệu dân đồng bằng.
Phát biểu tại Lễ công bố, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều quyết sách thúc đẩy sự phát triển của vùng ĐBSCL tuy vậy kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đối diện với nhiều thách thức trong thời gian tới.
Những hạn chế về cơ sở hạ tầng, quá trình chuyển đổi cơ cấu chậm, khả năng thu hút đầu tư còn thấp, cùng với sự phát triển hạn chế cả về số lượng lẫn năng lực của doanh nghiệp đang là những rào cản chính trong việc phát triển kinh tế tại ĐBSCL. Ngoài ra, khu vực này cũng đang thiếu hụt cơ hội việc làm, năng suất lao động còn thấp, sức cạnh tranh chưa cao.
Trước thực trạng này, Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024 tập trung phân tích cấu trúc nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, nhằm xác định nguyên nhân và hạn chế trong việc huy động vốn phát triển. Từ đó, báo cáo đưa ra các khuyến nghị, chính sách để Trung ương xây dựng một chiến lược huy động nguồn lực đầu tư toàn diện, dài hạn, khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế của vùng.
Chủ tịch VCCI cho biết, trong bối cảnh cả nước đang bước vào giai đoạn cải cách mạnh mẽ về thể chế, tinh gọn bộ máy quản lý nhằm nâng cao hiệu quả điều hành, việc phân tích, đánh giá tình hình kinh tế vùng ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng. Những thông tin đầy đủ, tin cậy từ báo cáo sẽ là nền tảng để hoạch định các quyết sách trọng yếu, hướng tới phát triển toàn diện, bền vững.
Chiến lược huy động đầu tư cho phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long
TS. Vũ Thành Tự Anh, Giảng viên Cao cấp, nguyên Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo chia sẻ, để thúc đẩy phát triển bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long, việc xác định đúng ưu tiên đầu tư là yếu tố then chốt.
Trong đó, vùng này cần tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực có tác động lan tỏa lớn như hạ tầng giao thông, thủy lợi, công nghiệp chế biến và năng lượng tái tạo. Việc xây dựng danh mục các dự án trọng điểm với kế hoạch triển khai rõ ràng sẽ giúp tối ưu hóa nguồn vốn, tránh đầu tư dàn trải và nâng cao hiệu quả giải ngân.
Về cải thiện môi trường đầu tư, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm thời gian cấp phép dự án và nâng cao tính minh bạch trong quản lý đất đai là những yếu tố quan trọng để thu hút thêm vốn từ khu vực tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài. Các chính sách ưu đãi cần được thiết kế để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, chế biến sâu và logistics.
Về quản lý vốn, đặc biệt là đầu tư công, cần cải thiện cơ chế giám sát, tăng tính minh bạch trong quá trình giải ngân và kiểm soát tiến độ dự án. Các tiêu chí đánh giá hiệu suất đầu tư nên được xây dựng dựa trên tác động kinh tế – xã hội, mức độ cải thiện cơ sở hạ tầng và khả năng thu hút đầu tư tư nhân.
Ngoài ra cần phải đa dạng hóa nguồn vốn, vốn không chỉ đến từ ngân sách, mà còn từ khu vực tư nhân, FDI, vốn hỗn hợp, hợp tác công – tư và tín dụng xanh. Việc hợp tác công – tư (PPP) cần được đẩy mạnh để thu hút nguồn vốn tư nhân vào các dự án giao thông, năng lượng sạch, khu công nghiệp chế biến và đô thị thông minh. Việc phát triển mô hình PPP thành công sẽ giúp giảm áp lực lên ngân sách Nhà nước, đồng thời huy động được nguồn lực đầu tư lớn từ khu vực tư nhân và các tổ chức tài chính quốc tế.
Ứng dụng công nghệ số là một giải pháp quan trọng giúp tối ưu hóa quy trình đầu tư. Chính quyền và doanh nghiệp cần tận dụng dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (AI) và các nền tảng số để giám sát tiến độ dự án, quản lý chuỗi cung ứng và tăng tính minh bạch trong đầu tư công.
Đối với địa phương, cần thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh hiện đại, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, sản xuất xanh và mô hình chuỗi cung ứng bền vững. Việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn, công nghệ và thị trường sẽ giúp gia tăng năng suất và nâng cao sức cạnh tranh của toàn vùng.
“Để đảo ngược xu hướng suy giảm kinh tế, Đồng bằng sông Cửu Long cần một chiến lược huy động nguồn lực đầu tư toàn diện và dài hạn với sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ khi thu hút được dòng vốn đầu tư bền vững, khu vực này mới có thể tận dụng được tiềm năng kinh tế, nâng cao năng suất lao động và đảm bảo sinh kế bền vững cho 18 triệu người dân đồng bằng,” TS. Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.
Công Thành