Thứ Hai , 9 Tháng Mười Hai 2024
Home » Giáo dục - Y tế » Hội thảo khoa học “30 năm thực thi Luật Bảo vệ môi trường”

Hội thảo khoa học “30 năm thực thi Luật Bảo vệ môi trường”

(DNNN) – Sáng 28/12/2023, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “30 năm thực thi Luật Bảo vệ môi trường” nhằm tạo ra diễn đàn nhìn nhận cũng như đánh giá các thành tựu, thách thức trong việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường.

Với sự quan tâm đông đảo của các chuyên gia liên quan đến lĩnh vực pháp luật nói riêng và lĩnh vực xã hội nói chung, Hội thảo đã đón nhận được 27 đề tài tham luận. Sau quá trình tổng hợp và đánh giá, Ban Tổ chức Hội thảo đã chọn ra 6 đề tài tham luận trực tiếp tại buổi hội thảo với 2 phiên làm việc.

Trải qua 30 năm xây dựng, ban hành, sửa đổi và thực thi, Luật Bảo vệ môi trường đã kịp thời góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất về bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững, đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân.

Trong bối cảnh hiện trạng môi trường của đất nước và xu thế môi trường thế giới liên tục thay đổi, vấn đề nhìn nhận, đánh giá những thành tựu và thách thức về việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường trong 30 năm qua, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho tương lai là điều rất quan trọng và cần thiết.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho rằng việc phát triển môi trường là điều rất quan trọng, đó là mục tiêu đang hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai. Trải qua 30 năm xây dựng, ban hành và thực thi, luật Bảo vệ môi trường đã kịp thời đi theo chỉ đạo chung của Đảng và Nhà nước, mở ra hành lang pháp lý đồng bộ, góp phần thúc đẩy công cuộc bảo vệ, gìn giữ và phát triển môi trường. Theo đó, TS. Lê Trường Sơn hy vọng hội thảo sẽ mở ra những góc nhìn mới mẻ về vấn đề môi trường cũng như đạt được các mục tiêu đã được đề ra.

Trao đổi tại phần thảo luận chung, các khách mời đã tích cực chia sẻ về tình hình thực tế của môi trường. Qua đó, nhận thấy môi trường luôn là vấn đề chung của xã hội, được quan tâm trên nhiều khía cạnh khác nhau nhưng chưa được thực hiện hóa nhiều. Với mục tiêu đóng góp các kiến nghị nhằm khắc phục hạn chế, một số nội dung đã được ghi nhận và tiếp tục nghiên cứu sâu hơn để đưa ra các phương hướng giải quyết phù hợp trong tương lai.

Tại phiên thứ nhất, với bài tham luận “Về phạm vi điều chỉnh của các Luật bảo vệ môi trường từ năm 1993 đến nay”, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết phạm vi điều chỉnh của luật bảo vệ môi trường ngày càng được mở rộng, việc mở rộng này nhằm đáp ứng các yêu cầu của việc giải quyết các vấn đề môi trường ở Việt Nam và trên phạm vi toàn thế giới. Tuy nhiên, càng mở rộng thì việc thực thi càng gặp nhiều khó khăn, do đó, Nhà nước Việt Nam và tổ chức của Đảng cần có thêm các chính sách phát triển phù hợp trong thời gian sắp tới.

Bàn về vấn đề “Đảm bảo thực hiện “nguyên tắc phát triển bền vững” trong pháp luật môi trường Việt Nam”, PGS.TS. Lưu Quốc Thái (Trường ĐH Luật TPHCM) đã chia sẻ những hình ảnh thực tế nhằm chứng minh tình trạng môi trường đang rất báo động, làm cơ sở để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển bền vững hiện nay. Theo tác giả, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Việt Nam đã có rất nhiều luật để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, nhưng pháp luật Việt Nam cần nhìn nhận việc phát triển bền vững là nguyên tắc thay vì mục tiêu, sự thay đổi này nhằm hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường cho các thế hệ mai sau.

Trong đề tài “Thực thi quy định bảo đảm quyền con người được sống trong môi trường trong lành theo pháp luật bảo vệ môi trường” của ThS. Lý Thành Nhân và Nguyễn Phương Đông (Trường ĐH Luật TP.HCM), nhóm tác giả đã làm rõ hai loại công cụ, bao gồm: nhóm công cụ nhận diện môi trường trong lành hay ô nhiễm và nhóm công cụ nhằm thực hiện quyền con người. Với các cơ sở lý luận, thực tiễn đã phân tích, nhóm tác giả có một kiến nghị như mở rộng các nhóm quy định để người dân tự thực hiện các quyền của mình, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia trở nên dễ dàng tiếp cận đối với người dân,…

Ở phiên thứ hai, với đề tài “Pháp luật về môi trường về chất thải rắn trong doanh nghiệp”, TS. Lê Minh Thái (Trường ĐH Văn Lang) đã chia sẻ thực trạng thực hiện pháp luật môi trường về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn và thực tiễn thi hành tại các doanh nghiệp, nhìn chung các doanh nghiệp chưa có sự quán triệt, đồng nhất trong hoạt động, vận hành trong vấn đề này. Theo đó, TS. Lê Minh Thái đã đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tại bài tham luận “Khung pháp lý về thị trường Các-bon Việt Nam – Hiện trạng và một số khuyến nghị hoàn thiện” của TS. Võ Trung Tín (Trường ĐH Luật TPHCM) và luật sư Lê Duy Khang, nhóm tác giả cho biết việc hình thành thị trường Các-bon là một trong những chính sách được Đảng quan tâm xuyên suốt. Theo đó, để thị trường Các-bon Việt Ban được vận hành đúng cách thì Việt Nam cần xây dựng thêm các khung pháp lý nhằm giá sát chặt chẽ các hoạt động xoay quanh thị trường này, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật.

Công Thành