(DNNN) – Chiều ngày 15/12, tại TP. Hồ Chí Minh, diễn ra Hội thảo “Sử dụng vật liệu nội thất bền vững và an toàn” do Báo Tuổi trẻ tổ chức.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 200 khách mời là các đại biểu lãnh đạo cơ quan quản lý trung ương và địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp tiêu biểu, giảng viên các trường đại học uy tín trong lĩnh vực sản xuất, thiết kế và thi công vật liệu nội thất.
Hội thảo nhằm đưa ra các giải pháp giúp người tiêu dùng hiểu đúng về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn; phát triển thị trường xuất khẩu của ngành vật liệu nội thất Việt Nam bền vững.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Xuân Toàn – Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ cho rằng, trong bối cảnh vật liệu nội thất phần lớn từ gỗ công nghiệp nhưng ít ai quan tâm đến yếu tố sức khỏe và nguồn gốc.
“Hiện nay, chủng loại của các vật liệu nội thất vô cùng đa dạng, mặc dù đã có những tiêu chuẩn nhất định của cơ quan quản lý Nhà nước ban hành nhưng với người tiêu dùng trong nước đa phần còn khá mơ hồ trong việc lựa chọn sản phẩm. Đặc biệt, vấn đề liều lượng các chất hóa học trong vật liệu nội thất phải đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng” – ông Toàn nói.
Vừa qua Bộ xây dựng đã ban hành thông tư 04 quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng có hiệu lực từ 1-1-2024, đây là thời điểm cần làm rõ thêm những quy chuẩn đó để làm sao giúp người tiêu dùng có thêm kiến thức chọn lựa sản phẩm an toàn và bền vững.
“Đây là điều các cơ quan truyền thông thấy cần có trách nhiệm để làm công tác truyền thông đúng về các sản phẩm vật liệu nội thất, trang bị kiến thức cho người tiêu dùng. Đồng thời cũng giúp cho doanh nghiệp sản xuất, thị trường nội thất tiếp tục phát triển hơn nữa tại thị trường nội địa hơn 100 triệu dân”, ông Toàn nói.
Lãnh đạo báo Tuổi Trẻ mong các chuyên gia trong các lĩnh vực, y tế, kiến trúc chia sẻ thêm góc nhìn tại hội thảo, đặc biệt là vấn đề về khả năng gây hại đến sức khỏe và đời sống của người tiêu dùng khi lựa chọn vật liệu nội thất….
Hiện nay, chủng loại của các vật liệu nội thất vô cùng đa dạng, mặc dù đã có những tiêu chuẩn nhất định của cơ quan quản lý Nhà nước ban hành nhưng với người tiêu dùng trong nước đa phần còn khá mơ hồ trong việc lựa chọn sản phẩm. Đặc biệt, vấn đề liều lượng các chất hóa học trong vật liệu nội thất phải đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng. Với phân khúc thị trường xuất khẩu, ngoài việc tuân thủ các quy tắc chất lượng, doanh nghiệp cần đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, sử dụng vật liệu hợp pháp và chất lượng, cũng như việc tuân thủ các quy chuẩn về sử dụng hóa chất theo quy định của các quốc gia đối tác.
Về Thông tư số 04/2023/TT-BXD, PGS.TS Nguyễn Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, Thông tư nêu rõ các chủng loại sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng (VLXD) phù hợp với thực tế sản xuất trong nước và sản phẩm nhập khẩu lưu thông trên thị trường. Thông tư có các quy định đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khỏe cho con người… giảm bớt thủ tục hành chính và giảm thời gian lưu kho bãi đối với hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm hàng hóa VLXD trong việc áp dụng quy chuẩn. Do đó, việc ban hành Thông tư 04 là cần thiết để đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng, là cơ sở để phân biệt doanh nghiệp làm sản xuất tuân thủ yêu cầu với doanh nghiệp không đảm bảo, tăng tính minh bạch cho môi trường kinh doanh, công bằng cho các doanh nghiệp.
Tương tự, ông Nguyễn Chánh Phương – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) cũng đánh giá, những tiêu chuẩn của Thông tư nêu cao trách nhiệm của nhà nước về tính thực thi hiệu quả và công bằng giữa nhà sản xuất tuân thủ và không tuân thủ và cả quản lý vấn đề nhập khẩu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Vĩ – chuyên gia đánh giá trưởng, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Quatest3) cũng chia sẻ thông tin những quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến các sản phẩm gỗ và công tác chứng nhận sản phẩm. Đồng thời cam kết luôn đồng hành và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc tìm hiểu, nghiên cứu nhằm đáp ứng các quy định pháp lý, các yêu cầu kỹ thuật từ các hoạt động đánh giá sự phù hợp như: giám định, chứng nhận sản phẩm, chứng nhận hệ thống trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Theo vị chuyên gia này, để thúc đẩy ngành sản xuất vật liệu nội thất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu, các nhà sản xuất cần tìm hiểu và nghiên cứu tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng để đảm bảo chất lượng sản phẩm phù hợp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ngoài ra, căn cứ vào năng lực sản xuất và định hướng thị trường của từng doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần nghiên cứu rõ quy định của từng quốc gia nhằm đáp ứng quy định riêng của từng quốc gia, ông Nguyễn Xuân Vĩ nói.
TS Nguyễn Trung Thành khẳng định hệ thống pháp luật ngành xây dựng đã khá hoàn thiện. Đặc biệt các công trình thuộc nguồn vốn nhà nước phải chịu rất nhiều quy chuẩn, nghị định, có nghiệm thu, bài bản… mới được đi vào sử dụng. Tuy nhiên với các công trình dân dụng thì chủ yếu do người dân tự mua nội thất về sử dụng nên khó kiểm soát hết nếu người dân không chủ động kiểm soát chất lượng. “Người dân khi mua sản phẩm vật liệu xây dựng cần phải chủ động chú ý đến chất lượng vật liệu, để ý các chỉ số trên sản phẩm. Chúng ta cần kiểm tra cả nhãn mác của cả giấy dán tường, miếng dán sàn chứ không chỉ tivi, tủ lạnh… Nếu người sử dụng không chủ động quan tâm tới vấn đề này thì đơn vị thi công dễ đánh tráo, đơn vị nội thất sẽ không nghiêm túc” -TS Nguyễn Trung Thành đưa ra lời khuyên.
Công Thành