(DNNN) – Sáng 16/11, Diễn đàn Mekong Connect 2023 chủ đề “Kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa vùng kinh tế TPHCM và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững” chính thức bước vào phiên toàn thể tại TPHCM. Chương trình do UBND TPHCM, Bộ NN-PT-TN và Bộ KHCN chủ trì.
Tham dự phiên toàn thể có Bộ trưởng Bộ NN-PT-NT Lê Minh Hoan; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan;…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan
Phát biểu tại phiên làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, kinh tế xanh là không có ranh giới hành chính. Thực tế, những thành tựu kinh tế mà TP Hồ Chí Minh đạt được thời gian qua có sự đóng góp rất lớn của ĐBSCL và ngược lại, hiệu ứng lan tỏa từ sự phát triển của TP Hồ Chí Minh ra cả vùng là không thể phủ nhận.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, sự đóng góp của TPHCM đối với sự phát triển của đất nước thời gian qua có sự đóng góp của vùng ĐBSCL, có nông sản của vùng ĐBSCL chảy về đây, từ đó chế biến, và tạo ra giá trị gia tăng cho TPHCM. Quan trọng nhất là liên kết không gian kinh tế.
Đối với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định hiện nay tâm thức tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh đã ăn sâu vào tâm trí của chúng ta. Đây là xu thế không thể nào đảo ngược. Sự thay đổi có thể khiến doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí, chính quyền mất thêm chi phí, nhưng nếu chúng ta không thay đổi cách thức sản xuất thì sẽ bị đơn độc trong quá trình mà nhân loại đang hướng tới hành tinh xanh.
Dẫn lại lời Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã nói, “Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng không thể đảo ngược”, ông Lê Minh Hoan cho rằng: “Vấn đề là chúng ta chủ động đón nhận hay thụ động đón nhận nó. Nếu chúng ta tự nghĩ rằng nó quá khó thì chúng ta mãi mãi không bao giờ làm được. Chúng ta phải thay đổi tâm thức. Tâm thức tiêu dùng xanh, tăng trưởng xanh đã ăn sâu vào suy nghĩ của con người. TPHCM sẽ là nơi dẫn dắt câu chuyện này”.
Các đại biểu thảo luận tại phiên chính thức của Diễn đàn Mekong Connect
Tại Diễn đàn Mekong Connect 2023, các đại biểu cho rằng, khu vực ĐBSCL là một trong những vùng đất giàu có về tài nguyên, đóng góp quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Trong đó, TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất và là cửa ngõ giao thương lớn của cả nước.
Việc tăng cường liên kết của hai khu vực này sẽ tạo ra sự đồng bộ trong phát triển kinh tế, đồng thời mở ra cơ hội kinh doanh, đầu tư cho các doanh nghiệp.
Để đạt được mục tiêu này, cần phải có những đòn bẩy cơ chế, chính sách cụ thể để tăng cường liên kết kinh tế, thương mại giữa TP.HCM và vùng ĐBSCL. Đặc biệt,trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cần có sự kiên trì nỗ lực của các địa phương, các Bộ ngành Trung ương để có những giải pháp thích ứng và dài hạn vì mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh, giảm nhẹ tổn thương do biến đổi khí hậu, nhằm thúc đẩy việc hợp tác, liên kết phát triển theo hướng bền vững.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược. Đồng thời, tình hình mới cũng đặt ra nhu cầu tự lực, tự cường, chống chịu của từng quốc gia. Nhu cầu này đòi hỏi các vùng, các địa phương trong cả nước phải liên kết chặt chẽ với nhau để phát huy sức mạnh tổng thể.
Trước thực tiễn đó, năm 2023, TPHCM cùng 38 tỉnh, thành trên cả nước đã tổng kết, ký thỏa thuận và xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình hợp tác phát triển kinh tế xã hội giai đoạn đến năm 2025 với mục tiêu phát huy thế mạnh của từng địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế cả nước. Đồng thời, Thành phố cũng đã tổ chức thành công Diễn đàn kinh tế TPHCM với chủ đề “Tăng trưởng xanh – Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không”.
Đến nay, Thành phố cùng 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tiếp tục đối thoại về kết nối chuỗi cung ứng hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững. Điều đó cho thấy Thành phố xác định mối tương quan liên kết vùng chặt chẽ giữa TPHCM và các tỉnh, thành trong nhiệm vụ phát triển kinh tế hướng đến nền kinh tế xanh và bền vững.
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan hi vọng Diễn đàn Mekong Connect năm 2023 tiếp tục là cầu nối, là kênh tiếp xúc giữa chính quyền các tỉnh, thành phố; giữa doanh nghiệp và chính quyền; giữa các chuyên gia khoa học và chính quyền… với mong muốn chung là thúc đẩy liên kết, phát huy thế mạnh của từng địa phương, cùng hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, phát triển kinh tế xanh và bền vững.
Sở Công thương TP.HCM và các tỉnh vùng ĐBSCL ký kết hợp tác triển khai một số nội dung trọng tâm giai đoạn đến năm 2025.
Thông tin về thực tế liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, thời gian qua, Đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành đa dạng các liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm như liên kết theo chuỗi giá trị; liên kết ngành, cụm ngành hàng chủ lực; liên kết theo chuỗi sản xuất và chế biến; liên kết hướng đến thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; liên kết vận tải – logistics; liên kết công nghệ thông tin.
Trong số đó, hình thức phổ biến nhất là liên kết theo ngành, cụm ngành hàng chủ lực như: thủy sản, lúa gạo, cây ăn trái, rau màu nhưng hiệu quả không cao, thiếu tính bền vững, vẫn còn tình trạng “bẻ kèo” hợp đồng khi giá cả thị trường thay đổi. Các hình thức liên kết còn lại chỉ dừng ở giai đoạn thử nghiệm. Do vậy, việc hình thành các chuỗi liên kết giá trị có tính chuyên nghiệp cao là rất cần thiết, làm hạn chế việc mất đồng bộ về cung cầu, khắc phục tính dễ bị tổn thương, gây đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thành phố Cần Thơ là giải pháp và động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Trung tâm liên kết sẽ là “Một điểm đến đa dịch vụ” góp phần hình thành chuỗi sản xuất liên kết gắn với nhà nông, nhà sản xuất (thương nhân, doanh nghiệp nông sản) và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu; khuyến khích thiết lập mối liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần gia tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và giá trị gia tăng của sản phẩm.
Trước đó, ngày 15-11, diễn đàn Mekong Connect 2023 đã trải qua 4 phiên thảo luận, bàn về 4 chủ đề lớn, xoay quanh đến kiến tạo môi trường kinh tế xanh, thị trường tái chế và tín chỉ carbon, giải pháp mở rộng thị trường, giải pháp thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh.
Đồng thời, hoạt động triển lãm cũng đã trình diễn những sáng kiến, giải pháp, mô hình kinh doanh, sản phẩm mới theo các xu hướng kinh tế xanh, bao gồm: mô hình kinh tế tuần hoàn, mô hình thích ứng khí hậu, số hóa và chuyển đổi số, sản phẩm thân thiện môi trường và tốt cho sức khỏe, hệ thống sản xuất đạt chuẩn quốc tế về phát triển bền vững, vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, giải pháp tái chế, công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguồn năng lượng thay thế.
Trong phiên toàn thể của diễn đàn Mekong Connect, hội nghị sẽ đúc kết lại đóng góp ý kiến, thảo luận từ các chuyên gia, nhà làm chính sách, cộng đồng doanh nghiệp…
Qua đây, lãnh đạo các bộ ngành trung ương, TP.HCM và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long được lắng nghe, tiếp thu về các giải pháp phát huy cơ chế chính sách nói chung, cơ chế đặc thù của TP.HCM nói riêng để đẩy mạnh liên kết vùng, thúc đẩy kinh tế xanh, tăng cường liên kết chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ, xây dựng quy hoạch tích hợp…
Công Thành