Sau hàng chục năm đầu tư ra nước ngoài, 16 doanh nghiệp nhà nước (chủ yếu là PVN và Viettel) đã có lãi chuyển về nước khoảng hơn 2 tỷ USD. Các dự án này cũng thu được gần 2,1 tỷ USD tiền gốc và các khoản khác.
Dự án đầu tư của Viettel tại nước ngoài đã mang về lợi nhuận khả quan
Sau nhiều năm đầu tư ra nước ngoài, 72 dự án (chủ yếu là dầu khí, viễn thông, nông sản) của 16 doanh nghiệp đã chuyển lãi về Việt Nam khoảng 2 tỷ USD.
Tại báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết tới cuối năm 2022, có 30 doanh nghiệp nhà nước, có vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài trực tiếp hoặc gián tiếp qua các công ty con cấp 1 và 2. Tổng vốn các đơn vị này đã rót ra nước ngoài tính tới cuối năm ngoái là 6,62 tỷ USD.
Trong số này, PetroVietnam (PVN) đã đầu tư trên 4 tỷ USD, chiếm gần 61% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước. Kế đến là Viettel và Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG), lần lượt gần 1,5 tỷ USD và trên 0,77 tỷ USD. Năm 2022, 72 dự án của 16 doanh nghiệp đã thu về hơn 427,4 triệu USD, trong đó hơn một nửa là lợi nhuận chuyển về nước.
Sau hàng chục năm đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp này (chủ yếu là PVN và Viettel) đã có lãi chuyển về nước khoảng hơn 2 tỷ USD. Các dự án này cũng thu được gần 2,1 tỷ USD tiền gốc và các khoản khác. Trong đó, PVN vẫn là đơn vị ghi nhận số tiền thu về lớn nhất từ các dự án đầu tư ở nước ngoài, trên 2,9 tỷ USD, tiếp theo là Viettel với hơn 0,95 tỷ USD.
Chính phủ cho biết, năm 2022 có 94 dự án ghi nhận doanh thu gần 9,7 tỷ USD, tăng 24% so với 2021. Trong đó, 67 dự án có lợi nhuận, nhưng tổng lãi sau thuế và lợi nhuận được chia của nhà đầu tư Việt Nam đều giảm so với 2021, lần lượt 30% và 10,6%.
Chính phủ đánh giá nhiều dự án ghi nhận doanh thu tốt. Một số dự án hiệu quả, vốn thu hồi lớn hơn số bỏ ra đầu tư, như dự án thăm dò khai thác dầu khí 04 lô tại Nga của PVN; dự án khai thác sắt, vàng của Tổng công ty Hợp tác kinh tế (Quân khu 4); dự án viễn thông của Viettel tại Campuchia, Lào.
Tuy nhiên, lợi nhuận có được vẫn giảm do chưa sử dụng chi phí hiệu quả. Điều này dẫn tới số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam giảm gần 10% so với 2021.
Cùng đó, các dự án có lỗ lũy kế vẫn tăng, một số dự án gặp khó khăn, tiềm ẩn rủi ro, chưa phát sinh thu hồi vốn. Một số lĩnh vực, dự án đầu tư không đạt hiệu quả, phải dừng, có nguy cơ mất vốn, như dự án thăm dò khai thác dầu khí của PVEP, dự án muối mỏ Kali ở Lào của Vinachem. Hay dự án viễn thông của Viettel tại Cameroon gặp rủi ro tỷ giá, lỗ lũy kế lớn.
Đến cuối 2022, cả nước có 827 doanh nghiệp có vốn góp nhà nước, trong đó 676 đơn vị có vốn nhà nước từ 50%. Quy mô tài sản của mỗi doanh nghiệp có vốn nhà nước bình quân là 4.700 tỷ đồng, lãi trước thuế tăng 23%, tạo động lực và đóng góp nguồn thu vào ngân sách nhà nước, việc làm, thu nhập cho người lao động.
Theo SGGP