(DNNN) – Ngày 09/05, tại TPHCM đã diễn ra sự kiện mở màn của VAW2023, với hội nghị “Giải quyết tranh chấp xuyên biên giới: Xu hướng mới nổi tại khu vực Đông Á và một số vấn đề đương đại, diễn ra trong 05 ngày từ 08 – 12/05/2023, với 13 sự kiện được tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM.
Chương trình do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và CLB Luật sư Thương mại quốc tế (VBLC) phối hợp tổ chức Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam năm 2023 (VAW 2023), với chủ đề xuyên suốt là “Thích nghi với một châu Á năng động”.
Hội nghị đã đề cập đến các vấn đề trong các phiên thảo luận như: thủ tục trọng tài rút gọn từ góc nhìn Châu Á, công nghệ, số hóa và trí tuệ nhân tạo trong trọng tài, thủ tục tố tụng tòa án đối với các tranh chấp thương mại quốc tế theo góc nhìn so sánh và thách thức tại Châu Á, sự hài hòa Pháp luật Thương mại Quốc tế sau dịch Covid-19, các vấn đề thực tiễn từ góc nhìn quốc tế…
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC cho biết, sau đại dịch COVID-19, nhiều chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu bị gãy đổ, các quốc gia đang nỗ lực thiết lập lại chuỗi cung ứng mới, tìm kiếm khách hàng mới, thị trường mới.
Cùng với quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có quy mô thương mại lớn với mạng lưới đối tác rộng khắp. Những điều kiện trên mở ra cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu Việt Nam nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về tranh chấp thương mại, dẫn đến thiệt hại không nhỏ về cả tài sản và uy tín cho doanh nghiệp.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, tranh chấp thương mại là tranh chấp dân sự và có thể được giải quyết bằng nhiều cách khác nhau nhưng ưu tiên cho phương án ngoài toà án (thương lượng, hoà giải, trọng tài quốc tế) sau đó mới đến toà án. Trên thế giới, có khoảng 90% số vụ tranh chấp được giải quyết bên ngoài toà án.
Tại Việt Nam mặc dù phương thức giải quyết tranh chấp ngoài toà án đã được áp dụng từ hơn 60 năm trước nhưng đến hiện tại, số vụ việc được giải quyết bằng toà án vẫn chiếm phần lớn, chỉ có khoảng 300 vụ việc được giải quyết thông qua hoà giải và trọng tài thương mại mỗi năm.
Một trong những nguyên nhân rất quan trọng là do nhận thức, thông tin về phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án chưa được phổ cập đến cộng đồng doanh nghiệp và đến các cơ quan có liên quan. Với phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thường không có bộ phận pháp chế, tư vấn pháp lý nên vẫn quen sử dụng các mẫu hợp đồng truyền thống với điều khoản xử lý tranh chấp tại toà án.
Điều này diễn ra nhiều năm, trong bối cảnh thương mại thế giới liên tục thay đổi, bất định đã dẫn đến tình trạng quá tải cho hệ thống toà án, các vụ việc tranh chấp bị tồn đọng từ năm này qua năm khác, làm mất nhiều thời gian và cơ hội của doanh nghiệp.
“Chính vì vậy, cần có một chiến dịch đẩy mạnh nhận thức về phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án; trong đó, trọng tâm là hòa giải và trọng tài cho giải quyết các tranh chấp giữa các doanh nghiệp là điều rất cần thiết. Tuần lễ Trọng tài và Hoà giải thương mại Việt Nam cũng đồng thời góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ những người làm trọng tài hòa giải ở Việt Nam và trong khu vực. Từ đó, thúc đẩy phương thức giải quyết tranh chấp ngoài trọng tài, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam cũng như tăng cường quá trình hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu, thúc đẩy xuất khẩu và tăng cường đầu tư trong thời gian tới.”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
VAW được khởi xướng tổ chức vào năm 2020 với kỳ vọng sẽ trở thành chuỗi hoạt động quy mô lớn, kết nối cộng đồng những người hành nghề trọng tài trong nước và quốc tế. Đồng thời đây cũng là diễn đàn để các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ADR trao đổi quan điểm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ giữa các tổ chức và cá nhân trong nước, giữa Việt Nam với nước ngoài.
Năm 2023, lần đầu tiên VAW được tổ chức bởi VIAC & VBLC, hai tổ chức hàng đầu về thực hành ADR và hành nghề luật tại Việt Nam, cùng sự tham gia phối hợp trực tiếp từ các tổ chức ADR quy tín tại Châu Á và trên thế giới như Tòa Trọng tài Quốc tế Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Châu Á (AIAC), Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB),…
Được biết, tuần lễ quy tụ nhiều chuyên gia, luật sư, nhà nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp, người thực hành nghề luật tại Việt Nam và trong khu vực cùng trao đổi kinh nghiệm và kiến thức về rủi ro pháp lý trong giao thương, đầu tư quốc tế cũng như cách thức quản lý và giải quyết các tranh chấp phát sinh.
Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam năm 2023 sẽ tập trung thảo luận các vấn đề xoay quanh việc phòng ngừa rủi ro pháp lý và giải quyết tranh chấp cũng như thích ứng với một Châu Á năng động đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID. Tạo ra các kết nối trong hoạt động giải quyết cả ở phạm vi Việt Nam, trong khu vực và với thế giới; giúp nâng cao vị thế của nền tài phán trọng tài ở Việt Nam, từng bước đưa Việt Nam trở thành địa điểm trọng tài được các bên tranh chấp lựa chọn.
Công Thành