Thứ Hai , 29 Tháng Năm 2023
Home » Giáo dục - Y tế » Thực thi các cam kết về lao động, công đoàn trong CPTPP và EVFTA

Thực thi các cam kết về lao động, công đoàn trong CPTPP và EVFTA

(DNNN) – Sáng 26-4, Trường Đại học Luật TPHCM phối hợp Bộ LĐTB-XH, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo “Cam kết lao động trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO đối với Việt Nam”.

PGS.TS. Trần Hoàng Hải – Quyền Hiệu trưởng Nhà trường

Phát biểu khai mạc buổi Hội thảo, PGS.TS. Trần Hoàng Hải – Quyền Hiệu trưởng Nhà trường gửi lời cảm ơn đến ILO và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tạo cơ hội để Nhà trường thực hiện buổi Hội thảo Khoa học này. Đồng thời, PGS.TS. Trần Hoàng Hải bày tỏ mong muốn Hội thảo sẽ là một diễn đàn để các đại diện thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật chia sẻ những khó khăn trong việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các tiêu chuẩn lao động quốc tế của trong thực tiễn.

Toàn cảnh Hội thảo

Với sự quan tâm sâu sắc cũng như mong muốn hoàn thiện các vấn đề pháp lý có liên quan, buổi Hội thảo đã nhận được 6 đề tài tham luận với 2 chủ đề chính như sau: (1) Tổng quan về các cam kết lao động trong các FTA thế hệ mới và (2) Việc thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là 2 hiệp định thế hệ mới Việt Nam tham gia và mới đi vào hiệu lực. Các nền kinh tế thành viên chủ yếu là những đối tác kinh tế quan trọng, là những thị trường lớn, còn nhiều tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Việc khai thác hiệu quả những thị trường này trong những năm tới sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu của Việt Nam, giúp nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có thêm động lực phát triển, hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng và những cơ hội lớn về mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường thành viên các hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực hoàn thiện thể chế và đảm bảo việc thực thi nghiêm túc, hiệu quả những cam kết của mình, trong đó có các cam kết về lao động và công đoàn.

Để đảm bảo thực thi các cam kết về lao động trong các FTA thế hệ mới này, Việt Nam đã và đang tích cực nội luật hoá các tiêu chuẩn lao động quốc tế vào pháp luật quốc gia. Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) và nhiều văn bản pháp luật khác đã đưa khung pháp lý quốc gia tiệm cận hơn với các công ước cơ bản và tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO, tạo ra một môi trường pháp lý cần thiết cho Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

TS Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB-XH

TS Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB-XH nhìn nhận, việc đưa các yêu cầu về lao động vào trong các thỏa thuận thương mại, nhất là các FTA đang trở thành một xu thế trên thế giới trong hai thập kỷ trở lại đây.

Theo một báo cáo của ILO, nếu như năm 1985 trên thế giới mới có 3 FTA có cam kết về lao động thì đến năm 2016, trong số 267 FTA được ký tại 136 quốc gia, đã có 77 hiệp định có cam kết về lao động.

Các cam kết về lao động trong các FTA trên thế giới chủ yếu dẫn chiếu tới các công ước hoặc Tuyên bố của ILO, trong đó nhiều nhất là dẫn chiếu tới Tuyên bố năm 1998 của ILO về Những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, chiếm 64,9% các FTA. Đây cũng là Tuyên bố được dẫn chiếu và là cam kết cơ bản về lao động trong CPTPP, EVFTA và UKVFTA.

Với bài tham luận “Kinh nghiệm của một số quốc gia về thực hiện cam kết, thực thi tiêu chuẩn lao động trong các Hiệp định Thương mại tự do Thế hệ mới”, ThS. Trần Thị Ngọc Hà (Đại học Luật TPHCM) cho rằng thực tiễn, kinh nghiệm các nước đã khẳng định sự cần thiết của việc minh bạch trong lộ trình để thực hiện các cam kết. Bên cạnh đó, cần phải thể hiện rõ sự thiện chí của Việt Nam đối với các đối tác trong việc “thông qua và duy trì”, cũng như thực hiện có hiệu quả các cam kết về lao động. Điều này không chỉ trong các tiêu chuẩn lao động cơ bản của ILO mà còn cả những tiêu chuẩn lao động khác, kể cả các tiêu chuẩn lao động “có tính cập nhật”.

Xoay quanh chủ đề “Thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tại Việt Nam – Những thách thức trong lĩnh vực lao động”, ThS. Nguyễn Thị Hồng (Đại học Sài Gòn) nhận định Bộ luật Lao động 2019 là kết quả ban đầu chứng minh rằng Việt Nam đang nội luật hóa các cam kết quốc tế trong lĩnh vực lao động. Tuy nhiên, để thực thi thực chất và toàn bộ các cam kết là một vấn đề rất nan giải. Vì vậy, ThS. Nguyễn Thị Hồng cho rằng việc hoàn thiện cũng như thực thi cam kết quốc tế trong lĩnh vực lao động cần phải có sự phối hợp giữa Nhà nước và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Theo đó, các cơ quan Nhà nước cần tăng cường việc quản lý, kiểm tra hoạt động thực hiện pháp luật; đẩy mạnh công tác hướng dẫn, tuyên truyền cho doanh nghiệp, người lao động về các chính sách pháp luật thông qua nhiều phương thức; tăng cường và thúc đẩy hợp tác với ILO trong việc đánh giá tác động và thực thi các Công ước cơ bản của ILO tại Việt Nam. Về phía tổ chức Công đoàn Việt Nam, năng lực và số lượng của đội ngũ cán bộ Công đoàn cần nâng cao; đổi mới trong công tác quản lý tài chính công đoàn, tập trung vào quyền lợi thực chất cho người lao động.

Hội thảo Khoa học với chủ đề “Cam kết lao động trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO đối với Việt Nam” là cơ hội để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và những người liên quan đến lĩnh vực pháp luật khu vực phía Nam có thể trao đổi, chia sẻ, đánh giá. Từ cơ sở đó có thể đưa ra những đề xuất, giải pháp để thúc đẩy việc thực thi cam kết lao động trong các FTA thế hệ mới của Việt Nam; đồng thời, nhằm phục vụ cho nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo khu vực phía Nam.

Công Thành